Tác Gỉa 1:

Tác phẩm đã in: Ngày Xưa (Nguyễn Dương xuất bản, Hà Nội 1935) Người học vẽ (kịch bản, xuất bản 1936 Hà Nội)

Trong thi phẩm Ngày Xưa, chúng ta thấy thi sĩ sắp xếp thứ tự như sau:

1. Sơn Tinh Thủy Tinh (Avril 1933), thất ngôn
2. Mỵ Châu (Janvier 1933), thất ngôn
3. Giếng Trọng Thủy (Janvier 1933), thất ngôn
4. Tay ngà (2 Mai 1934), ngũ ngôn
5. Mỵ Ê (Mai 1933), thất ngôn bát cú
6. Một buổi chiều xuân (6 Mai 1933), ngũ ngôn
7. Nguyễn Thị Kim khóc Lê Chiêu Thống (30 Décembre 1932), thất ngôn bát cú
8. Đi cống (10 Mai 1933), thất ngôn
9. Mây (25 Janvier 1934), ngũ ngôn
10. Chùa Hương (Aout 1934), ngũ ngôn

Ở đường Phan Thanh Giản, nơi cư ngụ của nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh, thường thường là một nơi anh em văn nghệ họp mặt ngày trước. Ở đó, có một người thi sĩ đời xưa... xin Thanh Hữu đừng phiền nghe anh! Tôi gọi anh là một thi sĩ đời xưa, tôi cho anh là người đi lạc giữa đời hỗn độn nầy. Tôi cảm hiểu anh lắm đó --

Người thi sĩ nầy ngâm thơ thật lạ thường -- anh ngâm thơ cổ, anh trình bày kịch thơ Kiều Loan, tôi ngỡ anh là người của đời Xuân Thu, kẻ sĩ của một thời oanh liệt nhất lịch sử, và điều mà tôi muốn nói ở đây là anh đã mang được những nét duyên dáng của thơ Nguyễn Nhược Pháp -- nét đùa cợt dí dỏm đó, cũng như sự quyến luyến say sưa của anh với nhà thơ nầy, vào tâm hồn say thơ của tôi. Từ đó tôi để ý và đi tìm đọc thơ Nguyễn Nhược Pháp -- bài Sơn Tinh Thủy Tinh. Thật cả một sự lạ, tôi không ngờ Nguyễn Nhược Pháp có tâm hồn tươi tắn đến thế. Cái gì đối với ông cũng hiện hoạt trong sáng, trẻ trung điểm vào một tính chất hoài cổ lơ thơ của một người có vóc dáng dân tộc học nhưng còn một vẻ ý nhị Á Đông. Tôi đọc thơ ông để cảm, để vui giây bâng khuâng của một lứa tuổi thanh xuân nào đó.

Nguyễn Nhược Pháp hay kể chuyện bằng thơ -- chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh, chuyện đi Chùa Hương, chuyện Đi Cống sứ vân vân... nhưng kể mà gợi lại được những huyền thoại xưa, kể mà làm lưu luyến người đọc, nghệ thuật kể chuyện bằng thơ... có lẽ chỉ có một Nguyễn Nhược Pháp mà thôi vậy.

__________
* Trích Thi Nhân Việt Nam Hiện Đại của Trần Tuấn Khải.

Trở về trang Nguyễn Nhược Pháp

Nguyễn Nhược Pháp
1914-1938

Soạn Thảo: Nguyễn Hồng Phúc (Gia Phả)
Thực Hiện: 24 tháng hai 2007
Bổ Túc lần cuối: 8 tháng Chín 2007