HỘI DỊCH -SÁCH BĂC–KỲ

Lời thưa cuả người thực hiện: chúng tôi dựa trên bản chụp lại và cố gắng sao chép đúng với nguyên bản. Cứ theo luật lệ chính tả và văn phạm ngày nay thì bài văn có nhiều chỗ sai, nhất là ở các cặp chữ s/x, ch/tr, gi/r/d, và những chỗ chấm, phẩy và viết hoa. Không rõ những chỗ sai này do cụ Vĩnh lầm,  hay do hồi đó chưa có luật lệ rõ rệt, hoặc gỉa cụ Vĩnh chủ trương viết theo cách phát âm cuả mình; vấn đề này mong được các học gỉa nghiên cứu làm sáng tỏ. Riêng chúng tôi khi thực hiện chỉ mong thấy sao chép vậy, vì chúng tôi quan niệm những bài viết này, ra đời cách nay trên dưới 100 năm,  vào thời kỳ phôi thai cuả Việt ngữ, nên mang ít nhiều tính chất lịch sử. Ở trên chúng tôi nói cố gắng giũ đúng nguyên bản  vì chúng tôi chỉ có bản chụp; bản chính được hình thành cách nay non một thế kỷ, vào lúc kỹ nghệ in ấn và giấy mực còn thô sơ, rồi tài liệu đuợc lưu trữ gần một thế kỷ nên ngay bản chính cũng đã mờ nhạt; nay chúng tôi có bản chụp cuả bản mờ nhạt  nên không tránh khỏi có những chỗ không thể nào phân biệt được chữ gì, dù đã dùng đến kính phóng đại. Trong trường hợp đó,  chúng tôi chỉ còn cách dựa trên ngữ cảnh mà đoán.

Hiện chúng tôi đang sưu tầm thêm những tài liệu về cụ Nguyễn Văn Vĩnh, quý vị nào có xin liên lạc nguyenhongphuc54@yahoo.com . Xin đa tạ

Kính báo.  

 

Việc này không phải nói lôi–thôi nữa, ai là người có trí cũng biết cả là việc hay, vậy bản–báo cũng không phải kể những các nhẽ  hay ấy nữa.

Và cái việc : người An–nam nên lấy chữ Quốc–ngữ làm quốc văn,  thì độ này Nhật–báo và diễn–thuyết ai cũng đã bàn cả.

Nay có mấy ông định lập ra, thì chắc thế nào các Quí–khách ai nghe thấy cũng sẽ vào dúp các ông ấy.

Chúng tôi dám quyết trước rằng : cái số những các ông sáng lập ra Hội này, đến đời sau sẽ coi như một cái bia các ông khai sự học mới ở nước ta.

Vậy bản–báo vào cái tờ đạt sau này, xin các Quí–khách mỗi ông đem tâm vào dúp hộ Hội dịch sách.

§

§    §

 Hà–nội, ngày 15 tháng sáu năm đinh–mùi. 

Kính trình Ngài,

Chúng tôi có định lập ra ở Bắc–kỳ một hội, để dịch ra tiếng bản–quốc các sách hay của Đại  pháp và của nước Tầu.

Chúng tôi dám phiền đến Ngài, là chắc đã biết Ngài cũng tin như chúng tôi rằng: sự dịch sách có ích lợi cho dân ta lắm, cho nên ở tờ đạt  này, cũng không phải kể hết các nhẽ nữa, (vả những nhẽ ấy, đến hôm hội–đồng xin giảng giải để các quan đều nghe cả), chắc thế nào Ngài cũng vào dúp chúng tôi một chân, nhưng xin nhờ Ngài giảng dụ điều hay ấy, cho các ông thân–thuộc cùng bạn hữu ngài cũng biết, thì sự này mới nên việc nhớn được. 

Các quan lớn thì chúng tôi cũng mong ở như lòng ái–quốc thương–dân của các quan lắm. Chắc rằng thế nào các quan cũng dùm dúp cho, mà vào hội chúng tôi, hoặc để quản–trị hội, hoặc để dục lòng kẻ khác.

Chúng tôi xin trình trước với các quan rằng: hội này chúng tôi mở ra là thực hợp ý Nhà–nước,  vì Nhà–nước bây giờ cũng hết lòng sửa đổi sự học. Chớ hội chúng tôi không có ý gì ngạo phép, xin các quan đừng ngại. Các quan cai–trị dân, một tiếng nói bằng trăm nhẽ bàn của chúng tôi, nếu các quan dúp cho thành công quả này, thì cái phúc để lại muôn năm, đời sau dân nước Nam có được nhiều sách mà học, mỗi ngày tư tưởng một giộng ra, làm ăn buôn bán mỗi ngày một khôn khéo ra, cũng sẽ nhớ đến rằng : vì có các quan dúp vào bây giờ.

Sự dịch sách dẫu chẳng trước thì sau cũng sẽ có. Các quan bây giờ đứng lên sáng lập ra, chẳng hơn là, để mai sau con cháu lại trách các quan đời này không vội làm sự hay, dư !

Các điều–lệ hội, thì chúng tôi đã thảo rồi, xin đến ngày 4 aout 1907 là ngày chủ–nhật, 26 tháng sáu ta, đúng hai giờ chiều,  mời các ngài lại họp ở hội Trí–tri, phố hàng Quạt số 59 ở Hà–nội, chúng tôi sẽ xin trình các ngài để các ngài sửa lại. Nay hãy xin kể qua mấy điều cốt nhất, để các quan sét.

Hội–viên thì sẽ phân ra làm ba hạng :

1* Một hạng gọi là biên–tập-hội–viên, đóng đồng–niên một đồng, nhưng phải

 tình–nguyện với hội, mỗi tháng dịch bao nhiêu trang giấy, tháng nào cũng phải có ;

2* Một hạng gọi là chợ–dịch-hội–viên, đóng đồng–niên 3 đồng, thì thỉnh thoảng lúc nào dảnh, hoặc lúc nào có việc gì hay, phải dúp vào một việc,  nhưng mỗi năm ít ra cũng phải dúp một lần ;

3* Một hạng gọi là Tán–thành-hội–viên, đóng năm đồng, thì muốn sẵn lòng dúp lúc nào cũng được, không thì thôi.

Mỗi tháng các Hội–viên hạng nhất làm được bao nhiêu việc, sẽ in ra một tập để gửi cho cả các Hội–viên ba hạng cùng xem.

Những ông coi việc dịch thì tùy ý mình mà trọn, hoặc dịch sách Pháp, hoặc dịch sách Tầu,  đã trọn rồi thì cứ mỗi tháng phải đủ phần việc, trừ ra khi nào có sự gì ngăn chở quá thì phải có giấy trình Hội–đồng.

Hội sẽ cử một ông, hoặc sẽ thuê một ông trưởng thư–ký, để thu bài mà in ra, rồi gửi đi cho các hội–viên cho đủ.

Sau này xin gửi ba cái sổ, để nhờ ngài biên dúp những tên các ông quen ngài mà muốn vào chân sáng lập Hội–dịch–sách.

 Ông nào muốn vào hạng nào xin ông ấy ký vào trương ấy, rồi nhờ ngài gửi cả về  trước ngày 26 tháng ta này cho M. Vĩnh, 39. rue des Pavillons–noirs, hãy tạm nhận để trình hội–đồng. 

Đến hôm ấy hễ ông nào thong thả thì xin quá bước lại chỗ hội–đồng, để dúp bàn thể–lệ và cử mấy ông hãy tạm thay mặt Hội để xin phép và ký sổ điều–lệ. 

Việc này là việc hay cho nước ta, xin ngài khẩn khoản cho, mà ngài có bận việc quá, xin nhờ ngài giao hộ cho ông khác có thể dúp được chúng tôi thì xin đa–tạ quá.

Nay kính trình,

MM.    Đỗ–văn–Tâm, Hiệp–biện–đại–học–sĩ ;

Trần–văn–Thông, Đốc–học tràng hậu–bổ.

Lương–văn–Can, Giáo–trưởng Đông–kinh– nghĩa–thục;

Nguyễn– Liên, Tham–biện, chủ hội Trí–tri;

Đỗ–Thận, Hội–viên thành–phố Hà–nội;

Bùi–đình–Tá, Giáo–trưởng tràng Thái–hà;

Đào–văn–Sử, Giáo–trưởng tràng hội Trí–tri;

Phạm–văn–Hữu,  Giáo–học tràng Sư–phạm;

Phạm–xuân–Tuyết, Thông–phán tòa Đốc–lý Hà–nội;

Hàn–thái–Dương,  Chủ bút Đại–việt–tân–báo;

Nguyễn–văn–Vĩnh, Chủ bút Đại–nam–đăng– cổ–tùng–báo.

 

 

 

(Trích tạp chí Đại Nam Đăng Cổ Tùng Báo, số 810, ngày 25–7–1907)

Nguyễn Văn Phổ, Nguyển Kỳ sưu tầm.

Nguyễn Lân Tường đánh máy ngyên văn theo bản chụp lại.