LÍNH–TUẦN, LÍNH–LỆ

Lời thưa cuả người thực hiện: chúng tôi dựa trên bản chụp lại và cố gắng sao chép đúng với nguyên bản. Cứ theo luật lệ chính tả và văn phạm ngày nay thì bài văn có nhiều chỗ sai, nhất là ở các cặp chữ s/x, ch/tr, gi/r/d, và những chỗ chấm, phẩy và viết hoa. Không rõ những chỗ sai này do cụ Vĩnh lầm,  hay do hồi đó chưa có luật lệ rõ rệt, hoặc gỉa cụ Vĩnh chủ trương viết theo cách phát âm cuả mình; vấn đề này mong được các học gỉa nghiên cứu làm sáng tỏ. Riêng chúng tôi khi thực hiện chỉ mong thấy sao chép vậy, vì chúng tôi quan niệm những bài viết này, ra đời cách nay trên dưới 100 năm,  vào thời kỳ phôi thai cuả Việt ngữ, nên mang ít nhiều tính chất lịch sử. Ở trên chúng tôi nói cố gắng giũ đúng nguyên bản  vì chúng tôi chỉ có bản chụp; bản chính được hình thành cách nay non một thế kỷ, vào lúc kỹ nghệ in ấn và giấy mực còn thô sơ, rồi tài liệu đuợc lưu trữ gần một thế kỷ nên ngay bản chính cũng đã mờ nhạt; nay chúng tôi có bản chụp cuả bản mờ nhạt  nên không tránh khỏi có những chỗ không thể nào phân biệt được chữ gì, dù đã dùng đến kính phóng đại. Trong trường hợp đó,  chúng tôi chỉ còn cách dựa trên ngữ cảnh mà đoán.

Hiện chúng tôi đang sưu tầm thêm những tài liệu về cụ Nguyễn Văn Vĩnh, quý vị nào có xin liên lạc nguyenhongphuc54@yahoo.com . Xin đa tạ

Kính báo.  

 

Bài này là bài luận để cứu một đàng người, chớ không phải là bài khích bác chi kẻ ngu hèn.

Ai đã có việc gì vào đến quan ta,  mấy biết được lính–tuần, lính–lệ là thế nào.

Ngày xưa tôi nghe nói có hủi quấy các chợ búa, cũng đã lấy làm tệ lắm, bây giờ hủi không được đi quấy nhiễu ai nữa, nhưng hai cái giống lính–tuần, mấy lính–lệ quấy người ta cũng không kém gì.

Dân chưa vào đến huyện, đã mấy thằng lệ đón từ cổng,  nằn–nằn nì–nì, cho thằng này thì thằng kia đòi, không có thì dân nhục với nó, mà không vào được đến thềm công đường.

Vào đến trước mặt quan, quan nhăn mặt một tí là vài hào, quan hét một tiếng là năm hào. Lạ chưa! quan sai đánh mười roi cũng là năm hào. (Nếu Nhà–nước tưởng là thông sức một lần cấm được quan đánh dân thì nhầm to).

Hơi có việc gì quan đòi đến,  bất cứ điều hay điều giở, cậu lệ mang trát thế nào cũng kẻ nhè lấy bữa cơm, bữa thuốc lại đèo thêm vài hào mấy cho về, không có thì đến mất mặt mấy nó ở chỗ làng nước.

Lính–lệ đã tệ, lính–tuần lại còn tệ hơn nữa.

Hầu quan trên lại phải quấy nhiễu một cách bề trên. Cái đấm ngực, đấm lưng là cách thường, không những bắt nạt dân mà thôi, bắt nạt cả các quan nữa.  Quan Huyện lên lễ tết quan Thượng hai trục thì cũng phải biếu cậu tuần 1 đồng. Tết đến mỗi cậu vót vài cái tăm–bông, trổ vài tờ giấy trang–kim,  đem đi từng nhà hàng–phố, nửa ra mừng năm mới, nửa ra vòi tiền. Ai không có thì có khi nó chửi.

Mà xét ra chúng nó làm như thế, có được phong lưu gì đâu. Keo–cúi được đồng nào, vào phiện mất đồng ấy. Càng keo già càng đê tiện.

Nhìn chúng nó gãi đầu gãi tai, bẩm bẩm dạ dạ, thì thực đáng khinh,  nhưng cũng đáng thương. Vì chúng nó xấu tại–nghề, chớ không phải tại tính.  Nghề thì nghề không lương, mà quan xưa nay lại thích cái lối bẩm–báo ấy.  Vả lính-tuần lính–lệ cắt từng làng. Làng nào đã phải, là sinh ngay ra trong làng có một cái phong lính–tuần. Cha chuyền con nối,  học lấy cái nghề hay. Liệt–hại hẳn mất một giống người, cũng là người, cũng có thể làm nghề nọ nghề kia được.

Bây giờ tôi tính còn dùng cái giống  lính–tuần lính–lệ, là làm nhiễu dân mà lại làm hư mất một giống người.

Hầu quan sao không lấy lính–cơ, hay là thuê người như những người chạy giấy các sở.  Còn việc sách điếu cắp tráp, thì ông nào muốn đài–các phải thuê người nhà,  mà người nhà phải cấm không được dự gì vào việc quan.

Ngẫm mà xem, các ông ạ, có một điều nhỏ–nhen thế mà sửa đổi được thì hay lắm đấy ! Lý Nhỡ *

(Trích tạp chí Đại Nam Đăng Cổ Tùng Báo, số 803, ngày 6–6–1907).

*Lý Nhỡ là một trong các bút hiệu của cụ Nguyễn Văn Vĩnh.

Nguyễn Văn Phổ, Nguyễn Kỳ sưu tầm.

Nguyễn Lân Tường đanh máy nguyên văn theo bản chụp lại.