PHÁN,  

Lời thưa cuả người thực hiện: chúng tôi dựa trên bản chụp lại và cố gắng sao chép đúng với nguyên bản. Cứ theo luật lệ chính tả và văn phạm ngày nay thì bài văn có nhiều chỗ sai, nhất là ở các cặp chữ s/x, ch/tr, gi/r/d, và những chỗ chấm, phẩy và viết hoa. Không rõ những chỗ sai này do cụ Vĩnh lầm,  hay do hồi đó chưa có luật lệ rõ rệt, hoặc gỉa cụ Vĩnh chủ trương viết theo cách phát âm cuả mình; vấn đề này mong được các học gỉa nghiên cứu làm sáng tỏ. Riêng chúng tôi khi thực hiện chỉ mong thấy sao chép vậy, vì chúng tôi quan niệm những bài viết này, ra đời cách nay trên dưới 100 năm,  vào thời kỳ phôi thai cuả Việt ngữ, nên mang ít nhiều tính chất lịch sử. Ở trên chúng tôi nói cố gắng giũ đúng nguyên bản  vì chúng tôi chỉ có bản chụp; bản chính được hình thành cách nay non một thế kỷ, vào lúc kỹ nghệ in ấn và giấy mực còn thô sơ, rồi tài liệu đuợc lưu trữ gần một thế kỷ nên ngay bản chính cũng đã mờ nhạt; nay chúng tôi có bản chụp cuả bản mờ nhạt  nên không tránh khỏi có những chỗ không thể nào phân biệt được chữ gì, dù đã dùng đến kính phóng đại. Trong trường hợp đó,  chúng tôi chỉ còn cách dựa trên ngữ cảnh mà đoán.

Hiện chúng tôi đang sưu tầm thêm những tài liệu về cụ Nguyễn Văn Vĩnh, quý vị nào có xin vui lòng liên lạc nguyenhongphuc54@yahoo.com . Xin đa tạ

Kính báo.  

 

Các ông chớ có tưởng rằng : tôi sắp chế báng gì anh em đâu. Tôi cũng một làng, đâu lại dám thế. Những ông dèm chê mình là hẹp suy lắm.  Có khác gì mấy ông Đại–pháp, thấy mấy người nói dối thì làm ngay sách nói rằng : bao nhiêu người An–nam cũng nói dối cả.

Vả lại bài này không phải là bài chê khen gì. Tôi chỉ có ý tìm cách mà bàn với anh em đồng-sự, xem có phương kế nào, mà để về sau cháu chắt chúng ta ai có nói đến rằng:“Cụ kị mày xưa làm thông ngôn“, chúng nó không phải đến nỗi xấu hổ mà thôi.  

Có cách làm được đấy, các ông ạ !

Nước Nam ta bây giờ, chẳng phải nói dấu gì nhau, dốt tệ lắm, mà cũng vì cái dốt, cho nên người ta khinh–bỉ, cũng vì cái dốt cho nên phải làm như trâu như bò, được đồng nào sắm đồ–tầu hết.  Cũng vì cái dốt, cho nên trong nước cái nghĩa đoàn–thể không có; cũng vì cái dốt, cho nên nghệ hay không muốn làm, cứ ai cũng chuyên vài nghề ăn không; cũng vì cái dốt, cho nên người đói meo ra không lo, lo quan âm đói, tà ma đói; nói dút lại thì bao nhiêu cái khổ sở nhục nhằn nước Nam ta cũng chỉ vì một cái dốt mà ra cả.

Điều ấy bây giờ từ ông làm quan, người lái buôn, học trò, thợ thuyền, cho chí chúng mình ai ai cũng biết cả rồi, cho nên từ ngày Nhà–nước cải tân học đến giờ,  ai ai cũng nao nức vào việc ấy lắm.

Nhưng mà cái nao nức ấy, có ăn thua gì không ?

Vị tất.

Là vì thế này : Mấy ông quan thì nao nức cũng có, nhưng vốn xưa nay chỉ có một việc.... trị dân, còn việc dạy dân thì chưa quen.  Cho nên bất quá chỉ đùng-đùng, ông nọ mở tràng, ông kia mở tràng, nhưng học gì, học thế nào, nghe chừng đâu những khi rảnh việc quan, cũng đã nghĩ chán rồi, nhưng vẫn chưa ra. Hóa cho nên mở tràng cứ mở, nhưng gián hoặc cũng nhiều ông mở tràng, cho khai trí dân thì ít, cho mắt quan trên trông vào thì nhiều. Sau nữa  lại còn cái nhẽ dân khôn, khó làm quan !

Đến như nhà–nho. Cánh ấy thì  nhiệt–thành thực. Nhưng mà xưa nay chỉ quanh–quẩn có bấy nhiêu quyển sách, bây giờ thấy nên cải, thì cải đấy thôi, chớ đã rõ nó ra thế nào. Hiệu khách cũng có bán ít sách Tầu, sách Nhật, nhưng nghe nó cũng không được gẫy gọn cho lắm.  Cái nghiệp sách dịch có đâu bằng nguyên–bản. Ông Nhật, ông Tầu còn phải đi sao của người ta, bây giờ mình lại đi sao cái bản–sao dở dang của họ,  thì dẫu nhiệt thành đến đâu, nó cũng lúng–túng lắm. Vả lại bụng thì có,  nhưng tiền ít, ai lo cho mà ăn, ai nuôi vợ con cho mà đi lo việc dạy người.  Nhiệt thành lắm đến bán cửa–nhà ruộng–nương đi, thì cũng đã lấy làm phục lắm rồi, nhưng mà bán mãi cũng phải hết chớ ?

Có mấy ông cự–thương cũng hết sức dúp vào nhưng nghề bây giờ đã buôn bán to thì bận cả ngày, có dúp vào thì cũng dúp ít bạc mà thôi. 

Còn đến anh em ta.

Tôi xét ra không còn có ai dúp được đồng bào dễ hơn mình nữa, mà cũng nhân lấy cái dịp này, để làm cho cháu chắt về sau được ngửng mặt lên, cũng hèn.

Lương tiếng không mấy, cũng còn đủ ăn, để được ít của riêng thêm ra, thì lại càng vững chân nữa.

Việc làm thì đã có giờ,  như làm Nhà–nước, thì một ngày có năm giờ rưỡi. Buổi chưa, buổi tối được nhàn–nhã thảnh–thơi lắm.

Chữ Đại–pháp biết, việc Đại–pháp nhờ được làm việc cũng thông hiểu nhiều hơn người ta. Nhật–báo, sách vở của người, mình có thể xem được.

Như thế mà giá anh em mình ai ai cũng đem tâm vào một việc học–hành cho rỏi, để mà dúp anh em trong nước cũng được noi cách mình học–hành rỏi lên để bằng người ta thì dễ biết là bao nhiêu !

Cái giờ ngủ ban chưa nên bỏ bớt đi; cái buổi đi dạo lúc chiều bớt đi; canh tài–bàn,  trầu hát bớt đi. Giá thử anh em ta để cái giờ ấy mà đọc lấy sách Đại–pháp cho nhiều,  hơn đưa người kém, người kém chịu khó một ít, cho thực rỏi, xem cho suốt cả, cái gì hay thì dịch ra tiếng An–nam, cho người nước nhà xem với. Ông nào thực rỏi, bỏ quách cái kiêu ngạo xằng đi, mà dùm dúp đồng–bào, mở tràng dạy bảo anh em. Còn cái khoản giăng–hoa thì thiếu niên tất cũng phải có,  nhưng ta phiên–phiến đi, mà nên lấy chữ tình điểm mùa xuân, chớ đừng ham chi cái cách nay cô này mai cô khác. Nói đến điều này tôi lại chỉ ước gì tôi hóa ra vài ngàn cô con gái đẹp. Giá các cô cứ nhìn óc người, trước khi nhìn cái nếp áo, cái sắc giầy, thì nước Nam được nhờ các ông Phán chúng tôi biết là bao nhiêu ?

Đây, bấy nhiêu nhẽ tôi đã bầy ra đó. Anh em ta nên tính phen này. Làm thế nào cho sự học nước Nam được hay, thì chắc là đời sau có còn ông Phan–huy–Thịnh khác làm thơ, cũng không ai nghe nữa.  Nếu các quan vẫn cứ nao nức cho; các ngài cứ cho dân nhờ cái quyền to các ngài; các ông nhà nho cứ giữ cái nhiệt–thành cho; các ông cự thương cứ dúp ít nhiều tiền cho; mà mấy anh em mình quyền không có, tiền không có, cứ đem cái tài nhỏ mọn vào, cũng như viên gạch vào bức tường, thì gì mà chẳng xong ?

Tha–hồ làm thơ các ông ạ, chúng ta đừng họa nữa. Cứ cố lên thôi !

TÂN–NAM–TỬ *

(Trích Đại Nam Đăng Cổ Tùng Báo,  số 806, ngày 27–6–1907)

*Tân –Nam –Tử: một trong các bút hiệu của cụ Nguyễn Văn Vĩnh.

Nguyễn Văn Phổ, Nguyễn Kỳ sưu tầm.

Nguyễn Lân Tường đánh máy nguyên văn theo bản chụp lại.