TIẾNG AN-NAM

Lời thưa cuả người thực hiện: chúng tôi dựa trên bản chụp lại và cố gắng sao chép đúng với nguyên bản. Cứ theo luật lệ chính tả và văn phạm ngày nay thì bài văn có nhiều chỗ sai, nhất là ở các cặp chữ s/x, ch/tr, gi/r/d, và những chỗ chấm, phẩy và viết hoa. Không rõ những chỗ sai này do cụ Vĩnh lầm,  hay do hồi đó chưa có luật lệ rõ rệt, hoặc gỉa cụ Vĩnh chủ trương viết theo cách phát âm cuả mình; vấn đề này mong được các học gỉa nghiên cứu làm sáng tỏ. Riêng chúng tôi khi thực hiện chỉ mong thấy sao chép vậy, vì chúng tôi quan niệm những bài viết này, ra đời cách nay trên dưới 100 năm,  vào thời kỳ phôi thai cuả Việt ngữ, nên mang ít nhiều tính chất lịch sử. Ở trên chúng tôi nói cố gắng giũ đúng nguyên bản  vì chúng tôi chỉ có bản chụp; bản chính được hình thành cách nay non một thế kỷ, vào lúc kỹ nghệ in ấn và giấy mực còn thô sơ, rồi tài liệu đuợc lưu trữ gần một thế kỷ nên ngay bản chính cũng đã mờ nhạt; nay chúng tôi có bản chụp cuả bản mờ nhạt  nên không tránh khỏi có những chỗ không thể nào phân biệt được chữ gì, dù đã dùng đến kính phóng đại. Trong trường hợp đó,  chúng tôi chỉ còn cách dựa trên ngữ cảnh mà đoán.

Hiện chúng tôi đang sưu tầm thêm những tài liệu về cụ Nguyễn Văn Vĩnh, quý vị nào có xin vui lòng liên lạc nguyenhongphuc54@yahoo.com . Xin đa tạ

Kính báo.  

 (Tiếng An–nam vào chương-trình trung-học Đại Pháp. La langue Annamite au programme du Baccalauréat en Francais, nhân đó có bài tiếng An–nam cuả Nguyễn Văn Vĩnh đăng ở Đông Dương Tạp chí số 40 ngày 19–2–1914 trang 3)

 Ở Đông Dương ta ngày nay nhà nước đã mở tràng trung–học, thì chính– phủ Đông Dương đã có ý xin với bộ Học, cho tiếng An–nam vào chương–trình ngoại ngữ.

 Quan thượng thư bộ Học, ngài cũng sẵn lòng y nhời bàn ấy lắm, ngài bèn truyền ngay cho Học chính ở đây đệ về bộ mấy quyển sách tiếng An–nam nào, gọi là danh–thư, để ngài phụng chỉ dụ nhận cho những sách ấy là sách học. Té ra không có sách gì mà đệ cả, cho nên quan Học bộ không cho vào chương–trình một thứ tiếng chẳng có kinh–điển nào.

 Việc đó tất thành ra một cách biện–lý khó cãi cuả những người ghét tiếng Annam, mà lại cũng là một việc nên tủi cho những nhà bút–nghiên đất Nam Việt.

 Té ra nước ta xưa nay vẫn có tiếng là đất văn–vật, mà hoá ra một nước không có văn–chương ; tú, cử, thám, trạng cuả mình, té ra xưa nay rung đùi đánh–chén,  chỉ có thú việc ngâm–nga chữ nghĩa cuả người; còn những tiếng trình–thưa với mẹ, những tiếng ân–ái với vợ chồng, anh em, bạn–bè nói với nhau, không ai biết thú đến, tuy rằng hàng ngày phải dùng đến, từ dân–gian cho đến chỗ triều–đình vua quan, thường phải dùng đến, mà khi phải viết ra, thì lại đi mượn văn–tự người mà dịch; khi muốn ngâm nga vịnh đọc lại phải nhờ cái điệu chi, hồ, dã, hĩ, dả, tai, thì mới ngâm nga vịnh đọc; thành ra tính tình không có thực tả; nhời ca điệu đàn không ngụ được thật tình.

 Nay người ta hỏi nước văn–vật, nào chữ nghĩa nước văn vật có những sách gì làm kỉ–cương, làm kinh–điển, những cái hay, những cái tài–tình, xuất–xứ ở nơi mô, thì nọ có sách gì mà giơ ra được.

 Nguyên là tài–nôm thì nước Nam ta cũng có lắm tay, nhưng chẳng qua xưa nay vẫn cho là cái ngoại–tài, nhà nào có tài nhỏ ấy thì chỉ lấy bút lông mèo mà chép vào mấy tờ giấy bản, cho trong nhà hoặc chỗ bạn thân xem với nhau mà thôi, không in thành sách, mà dẫu có in ra cũng chẳng ai học, vì nhà nước không bắt học.

 Được một vài bộ sách nôm, nhời văn có ý–nhị, điệu hát có tính tình, thì toàn là những lối thơ, phú, có vần, có điệu, có tiếng nói đúc lại, khác hẳn với lời nói thường, không dùng làm sách học nói tiếng mình được, người thường xem không vỡ chỉ thích ở cái điệu bổng trầm nặng nhẹ, cứ đọc thuộc lòng đi như con vẹt, không biết nghĩa là chi chi.

 Thế mà tiếng nói nước ta, là một tiếng nói hay, đủ tiếng mà diễn ra được hết ý–tình, đủ dùng cho một dân có cương–thường đạo–lý,  có cách đàm–luận, có cách lịch–sự, có cách giao–thiệp với nhau cũng tao nhã, chớ có phải là một thứ tiếng hèn mọn như tiếng nói cuả mấy giống dã man ở châu Phi châu Áo đâu.

 Cho nên người Âu–châu đến đây, cũng muốn học lấy tiếng nói ấy, để giao thiệp với ta, cho mỗi ngày thêm thân–ái, thêm biết ý tình  nhau ra, tiện cách dạy bảo ta. Mà muốn học được tiếng nói một nước, cần nhất là có sách vở hay, làm bằng tiếng nói nước ấy, để làm điển cho chỗ xuất–xứ.

 Thế mà sách ta không có, thành ra học tiếng chỉ có cách liệu  người nghe ta nói truyện với nhau làm mực, lấy phương–ngôn, tục-ngữ làm điển. Mà cách nói chuyện, phương–ngôn, tục–ngữ cuả nước ta, chẳng qua cũng cứ truyền khẩu đi, không có gì làm bằng cứ, mỗi nơi nói một khác, đọc một khác; mỗi người nói một cách, đọc một cách. Thành ra tiếng An–nam ta, tuy là một tiếng rứt hay, rứt nhiều tiếng, mà văn–tự hoá ra chưa có, ngày nay mới bắt đầu làm ra cho thành văn–tự.

 Việc làm văn–tự ấy chẳng những cần cho người ngoại–quốc học tiếng ta; lại cần cả cho ta học lấy mẹo–mực tiếng ta, để mai sau này có một tiếng nói nhất định rõ ràng mà nói với nhau, mà học–hành các thuật hay, các ý-tưởng mới, nhờ phong–trào mới mà sinh ra.

 Nay muốn gây cho văn–tự nước Nam có kinh có điển, thì bao nhiêu những bậc tài–hoa, những người có học–thức trong nước, phải chuyên vào nghề văn quốc–ngữ. Các bậc danh nho thì nên bỏ quách cái tài ngâm hộ cho người đi, chỉ học cho biết để mà nhân cái hay người làm lấy cái hay cuả mình mà thôi. Các bậc có Pháp học, thì tuy rằng cái ngoại tài ấy phải chuyên làm cách chen cạnh, làm mối kiếm ăn, nhưng hễ muốn nhân việc lập thân mà lại có ích cả cho đồng–bào mình, thì phàm luyện được một chút tài nào cuả người, cũng nên dùng quốc–văn mà phát–đạt nó ra cho cả người đồng bang được hưởng.

Nào báo quốc–ngữ, nào sách học quốc– ngữ, nào thơ quốc- ngữ, nào văn-chương quốc-ngữ, án–ký, hành–trình,  tiểu–thuyết, nghị–luận, tờ bồi việc quan, đơn từ kiện tụng, nên làm toàn bằng chữ quốc–ngữ hết cả. Từ đến những cách cao–hứng, vịnh–đề, tình hay,  cảnh đẹp, từ câu–đối dán nhà, tứ bình treo vách, câu phúng bà con, nhời mừng bạn–hữu, đều nên dùng quốc–văn hết thảy. Mà cốt nhất là, phải tập lấy lối văn xuôi, diễn dịch như in nhời nói, cho rõ ràng, cho nhất định, phải khiến cho nhời văn–chương theo nhời mẹ ru con, vú ấp trẻ, nhời anh nói với em, vợ nói với chồng;chứ đừng có để cho văn–chương thành một cách nói lối,  mà tiếng nói vẫn cho là nôm tục. Văn–chương phải như ảnh tiếng nói, và tiếng nói phải nhờ văn–chương hay mà rõ thêm, mà đủ thêm ra.

 Lại còn một điều khẩn–yếu, là muốn cho văn quốc–ngữ thành văn–chương hay, khỏi mang tiếng nôm na mách qué, cách đặt câu, cách viết, phép chấm câu, phải dần dần đặt cho thành có lệ có phép; mà lệ phép thì phải theo ý nhiều người đã thuận, chớ đừng ai tự đắc lối của mình là phải, đem ý riêng ra sửa đổi thói quen.

 Phải nhớ câu: phàm ngôn–ngữ nước nào cũng vậy, dầu tài thánh trạng một người cũng chẳng làm ra được.

 Nguyễn Văn Vĩnh

Nguyễn Văn Phổ, Nguyễn Kỳ sưu tầm.

Nguyễn Nga Mỹ đánh máy nguyên văn theo bản chụp lại.