Đỗ Thị Bính trong trang phục áo đen.
Một thời Hà Nội xưa, người ta hay bàn tán về "Hà thành tứ mỹ":
cô Bính Hàng Đẫy, cô Nga Hàng Gai, cô Síu Cột Cờ và cô Phượng Hàng Ngang.
Sự thực còn có những cô đạt danh hiệu hoa khôi qua các hội chợ nhưng 4
cô gái đẹp này được nhắc đến cho tận ngày nay.
Một người trong Hà thành tứ mỹ là Đỗ Thị Bính, sinh năm 1915. Người đàn
bà đẹp đó được Nguyễn Nhược Pháp thầm yêu trộm nhớ và đặt tên là "người
đàn bà áo đen". Bao giờ cô cũng mặc áo đen. Cô thường ra vườn tưới
cây, tưới gốc tầm xuân sum suê cành lá. Cô lại có thêm tên là "Cô
gái dưới giàn tầm xuân", mái hiên bên cạnh vườn có mấy chiếc ghế
mây. Cô thường nghỉ ngơi trên ghế xem sách hoặc đi dạo quanh vườn. Ngày
nay, hãy còn một phần dấu tích của khu vườn có giàn tầm xuân ở số nhà
30 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp lớn hơn cô Bính một tuổi, hồi đó làm việc ở
báo Annam Nouveau. Ông luôn mượn cớ để được đi qua ngôi nhà 30 phố Hàng
Đẫy để ngắm nhìn người đẹp. Tuần nào ông cũng qua đây hai, ba lần. Những
lần người đẹp chưa xuất hiện bên vườn hoa, ông phải đợi cho đến lúc nhìn
thấy cô, đứng ngắm cô một lúc mới chịu đi. Học chỉ trao nhau cái nhìn,
âm thầm rồi kẻ ở người đi. Chuyện này kéo dài và cả hai gia đình đều biết.
Gia đình cô Bính cho là chuyện phải lòng của anh chàng nhà thơ trẻ cũng
như nhiều chàng trai khác mà thôi. Hơn nữa, lúc nào Nguyễn Nhược Pháp
cũng buồn và có mặc cảm là mình nghèo quá, trong khi đó cô Bính lại lớn
lên trong gia đình giàu có và quá bề thế. Gia đình cô cũng biết chàng
trai là con vợ lẽ của ông Nguyễn Văn Vĩnh mà ông Vĩnh thì đang bị nợ nần
chồng chất, lại thất nghiệp.
Cho đến năm 1935, tập thơ Ngày xưa của Nguyễn Nhược Pháp ra đời, mọi người
mới biết đến thi sĩ. Tập thơ chỉ có 10 bài nhưng đủ để đưa Nguyễn Nhược
Pháp lên một trong những cây bút hàng đầu đầy tài hoa trong giai đoạn
đầu của phong trào thơ mới. Và ai cũng biết những bài thơ như Mỵ Nương,
Tay ngà, Cô gái bên bờ ao, Cô gái đi chùa Hương... đều lấy mẫu từ người
đẹp Đỗ Thị Bính qua những đường nét dáng điệu cử chỉ, cái chân mày xuất
thần của các nhân vật nữ trong tập thơ. Có thể nói, nếu không có Đỗ Thị
Bính thì chưa chắc đã có tập Ngày xưa cho văn học VN.
Nhưng hoa đẹp không được lâu, cảnh đẹp không được dài, năm 1938, nhà thơ
đã tạ thế vì bệnh lao. Trước mồ ông, nhà thơ Lưu Trong Lư đã có bài điếu
văn nổi tiếng. Sau khi Nguyễn Nhược Pháp mất được một năm, gia đình thuyết
phục cô Bính lấy một chàng kỹ sư phong lưu mã thượng học ở Pháp về. |